Nhảy đến nội dung
x

Truyền thống Hội sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Đầu năm học 1985 – 1986, Ủy ban trù bị Hội sinh viên thành phố được thành lập do đ/c Trần Quốc Huy – UVTV, Trưởng ban trường học Thành Đoàn làm Chủ tịch. Bên cạnh đó, tổ chức Hội cơ sở ở nhiều trường Đại học đã hình thành và hoạt động khá mạnh trong các năm học 1985 - 1986, 1986 – 1987. Tuy nhiên vào những năm tiếp theo do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau, Hội sinh viên các trường hoạt động không hiệu quả và đi đến tan rã, Ủy ban trù bị Hội sinh viên thành phố cũng ngưng hoạt động. Suốt giai đoạn 1989 - 1993, Ủy ban trù bị Hội sinh viên thành phố không còn tồn tại trên thực tế.
Tháng 11/1993, Ủy ban trù bị Hội sinh viên thành phố được khôi phục với 18 thành viên. Thí điểm thành lập Hội sinh viên trong 4 trường Đại học trọng điểm : Tổng hợp, Kinh Tế, Sư Phạm và Bách Khoa. Hoạt động Hội sinh viên thành phố đã từng bước khởi sắc và phát triển. 
Ngày 25 và 26/10/1995 Đại hội thành lập Hội sinh viên Việt Nam TP.Hồ Chí Minh đã được tổ chức với sự tham gia của 217 đại biểu chính thức. Đại hội đã hiệp thương cử Ban chấp hành gồm 27 thành viên do đồng chí Nguyễn Thành Phong làm Chủ tịch.
Nét nổi bật trong phong trào sinh viên thành phố những năm qua là các Chiến dịch tình nguyện được tổ chức liên tục. Kể từ 1995 khi Ủy ban trù bị Hội sinh viên thành phố tổ chức chiến dịch Ánh sáng văn hóa đầu tiên, thì các chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 95, 96; chiến dịch Tình nguyện Mùa hè xanh 97, 98, 99 được tổ chức với quy mô ngày càng lớn về địa bàn và lực lượng tham gia. Đặc biệt, từ 3 năm (2000, 2001, 2002) đã mở rộng địa bàn ra các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bình Phước, Kontum, Gia Lai, Quảng Nam, Gia Lai, Vĩnh Long… Nội dung ngày càng đa dạng vừa thiết thực với địa phương và phù hợp với ngành nghề mà sinh viên được đào tạo. Các chiến dịch đó một mặt đem lại những hiệu quả kinh tế – xã hội nhất định như : hơn 28.783 người được xóa mù chữ; 1.055.769 thiếu nhi được vận động đến trường hoặt tham gia sinh hoạt ôn tập hè; 367.733 người được tham gia các sinh hoạt truyền thông; nhiều công trình thể hiện sự gắn bó nghĩa tình của sinh viên với những gia đình chính sách, gia đình bất hạnh, nghèo khó: hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà tình thương được xây dựng từ nguồn vận động của sinh viên,... Mặt khác, thông qua chiến dịch sinh viên có dịp kiểm nghiệm kiến thức được tích lũy từ giảng đường, học thêm nhiều điều bổ ích, tự khẳng định mình trong môi trường thực tiễn; năng lực tổ chức hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội ngày càng tiến bộ hơn. Trong thời kỳ đổi mới, phong trào sinh viên tình nguyện trong thời kỳ đổi mới từ Thành phố đã được nhân rộng ra cả nước.
Bên cạnh đó, xác định nhiệm vụ học tập là quan trọng hàng đầu của sinh viên. Hội sinh viên TP đẩy mạnh phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp giúp sinh viên tiếp cận với công tác nghiên cứu như : báo cáo kinh nghiệm thực hiện đề tài khoa học, chuyên đề phương pháp luận, tổ chứùc giao lưu vớùi những nhà khoa học, tổ chức các tuần lễ khoa học trong sinh viên, Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên... Trên cơ sở đó, vận động sinh viên đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học. Từ năm 1995 đến nay, các hội nghị khoa học sinh viên đã tập hợp hơn 8.000 đề tài khoa học của sinh viên, nhiều đề tài chất lượng cao được chương trình Eureka tài trợ hoặc đạt các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Hội sinh viên Thành phố cùng với các cơ sở Hội đã đẩy mạnh việc vận động hổ trợ sinh viên như giới thiệu nhà ở, việc làm thêm, mở rộng các nguồn học bổng khuyến khích sinh viên học giỏi, tổ chức tuyên dương sinh viên điển hình tiên tiến... đến nay đã có hàng nghìn loại học bổng xã hội khác nhau cho trên 15.000 sinh viên với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng. Đặc biệt, các loại học bổng giá trị cao, tài trợ dài hạn đối với sinh viên xuất sắc do Hội sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức có giá trị hổ trợ, khuyến khích, động viên to lớn đối với sinh viên.
Hội sinh viên Thành phố đã thực hiện nhiều nội dung, biện pháp để giúp sinh viên ổn định cuộc sống phù hợp với điều kiện học tập tại Thành phố, tìm việc làm thêm cho sinh viên để tự lo liệu nhu cầu hàng ngày, tìm kiếm chỗ thực tập, nguồn vay tín dụng ... Nổi bật là Trung tâm Hỗ trợ sinh viên thành phố, văn phòng hỗ trợ sinh viên của Hội sinh viên các trường, các CLB đội nhóm tự giúp nhau như CLB gia sư, CLB Mark Group, nhóm sinh viên tự tìm việc ... trong những năm qua hơn 15.000 lượt sinh viên đã tìm được chỗ trọ, 14.000 sinh viên tìm được việc làm thêm ngoài giờ, 7.000 sinh viên được vay tín dụng học tập từ các quỹ hỗ trợ do Hội kết hợp với Đoàn quản lý với gần 6 tỷ đồng, 4.000 sinh viên được tiếp cận với thực tế, cơ sở thực tập… các hoạt động đó, một mặt đã góp phần làm giảm bớt những khó khăn về điều kiện học tập, sinh hoạt, giúp một bộ phận đáng kể sinh viên ổn định, yên tâm trong học tập; mặt khác góp phần giáo dục tinh thần tương trợ, tương thân trong sinh viên. 
Nét nổi bật riêng có của hoạt động Hội sinh viên thành phố so với trên phạm vi cả nước là việc tham gia vận động chỗ trọ cho thí sinh các vùng, miền về thi đại học trên địa bàn thành phố; tổ chức phòng đọc, tra cứu tài liệu, vận động sách cho sinh viên... Trong 2 năm tổ chức vận động đã có hơn 1.000 hộ gia đình đăng kí trên 4.000 chỗ cho thí sinh ở trọ trong đó hơn ½ là chỗ trọ miễn phí và đã giới thiệu được 2.000 thí sinh. Các hoạt động đó để lại ấn tượng tốt đẹp trong các bậc phụ huynh ở khắp nơi, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Hội cơ sở tiếp cận vận động sinh viên tham gia hoạt động từ năm thứ nhất, thể hiện vai trò người bạn đồng hành của sinh viên trên con đường học tập.
Đại hội đại biểu Hội sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ II (2000 - 2005) diễn ra trong hai ngày 8,9/01/2000 với 400 đại biểu chính thức.Đại hội đã hiệp thương cử Ban chấp hành gồm 29 đồng chí, đồng chí Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch. đã thống nhất khẩu hiệu hành động “Sinh viên thành phố tiếp bước truyền thống, rèn đức, luyện tài vì sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và 4 cuộc vận động:
- Cuộc vận động “Vượt khó học giỏi”
- Cuộc vận động “Sống đẹp”.
- Cuộc vận động “Tình nguyện vì Cộng đồng”.
- Cuộc vận động “Mở rộng vòng tay bè bạn”
Đến Hội nghị lần thứ 7 (01/2002), Ban chấp hành Hội sinh viên Thành phố đã hiệp thương đ/c Tất Thành Cang làm Chủ tịch.
Tính đến tháng 11/2006, tổ chức Hội sinh viên TP.Hồ Chí Minh gồm 38 trường Đại học - Cao đẳng với 32 Hội sinh viên chính thức, 6 Ban vận động thành lập Hội sinh viên.
Đại hội đại biểu Hội sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ III (2005 - 2010) diễn ra trong hai ngày 12, 13/03/2005 với 380 đại biểu chính thức. Đại hội đã hiệp thương cử Ban chấp hành gồm 39 đồng chí, đồng chí Tăng Hữu Phong làm Chủ tịch. đã thống nhất khẩu hiệu hành động “Sinh viên thành phố lập chí lớn – luyện tài năng, vì Thành phố văn minh – vì tương lai đất nước” với 4 cuộc vận động và phong trào “Sinh viên 3 tốt”:
- Cuộc vận động “Vượt khó học giỏi”
- Cuộc vận động “Sống đẹp”.
- Cuộc vận động “Tình nguyện vì Cộng đồng”.
- Cuộc vận động “Mở rộng vòng tay bè bạn”