Sinh hoạt tập thể là một yếu tố chính để duy trì và phát triển các phong trào và đoàn thể thanh thiếu niên, nhưng ít anh chị Phụ trách nào nắm bắt được cốt lõi của những sự việc hay phải làm gì khi tổ chức sinh hoạt tập thể. Các em đã quá mệt mỏi với những bài vở, lý thuyết ở trong nhà trường rồi, nếu khi đến sinh hoạt mà gặp một anh chị Phụ trách cứ thao thao bất tuyệt hay một anh chị Phụ trách độc diễn suốt buổi sinh hoạt, chúng tôi tin rằng khó tồn tại lâu dài.
Để cho các em có thể “tiêu hóa” được những bài học về đạo đức, nhân bản, luân lý... chúng ta nên biến những bài học đó thành những bài ca, điệu múa, vở kịch hay trò chơi. Những hoạt động này không những giúp cho các em tiếp thu bài học một cách thoải mái, tự nhiên, mà còn giúp cho các em được vui chơi thư giãn.
Nhưng làm thế nào để cho những hoạt động như: ca hát, nhảy múa, vui chơi... đạt được hiệu quả cao? Chúng tôi xin mời các bạn tham khảo các phần sau đây:
Ca hát
Trong sinh hoạt của các phong trào thanh thiếu niên, ca hát là một hoạt động chủ lực không thể thiếu, vì nó nói lên được sức mạnh, sự đoàn kết, vui tươi và trẻ trung của đoàn thể đó.
Ca hát là giáo dục bằng truyền cảm, là bộc lộ tâm tình của mình bằng ngôn ngữ của âm thanh và nhịp điệu. Nó biểu dương ý chí và tình đồng đội, giải tỏa những buồn chán, ức chế, làm hưng phấn tinh thần, giãi bày tâm trạng của cá nhân hay tập thể, đem lại bầu khí vui tươi trong sinh hoạt...
Vì ca nhạc mang tính đa diện như hùng tráng, bi thương, vui vẻ, trầm buồn, kích động... tùy theo bài hát cũng như tâm trạng người hát và người nghe. Cho nên chỉ cần nghe một cá nhân hay tập thể hát lên một vài bài hát, thì chúng ta cũng có thể đánh giá được tâm trạng và “trình độ” sinh hoạt của cá nhân hay tập thể đó. Vì vậy, muốn hát cho đúng, cho hay và cho hợp với hoàn cảnh, tuổi tác... chúng tôi xin đưa ra một số nguyên tắc cơ bản sau đây, giúp cho các bạn thành công trong việc dạy hát và học hát.
1. Chọn bài hát:
- Chọn những bài thích hợp với lứa tuổi. Thiếu niên thì chọn những bài hát ngắn, vui tươi, hồn nhiên, dễ hát, dễ thuộc.... Thanh niên thì chọn những hùng ca, dân ca, những bài mang tính yêu nước, ca ngợi các chiến công tiền nhân, anh hùng dân tộc...
- Chọn những bài hát hợp với hoàn cảnh như: vui tươi, khích động tinh thần (khi buồn ngủ, mệt mỏi...), buồn rầu, nuối tiếc (khi chia tay...) và các hình thức sinh hoạt tập thể khác.
- Không chọn những bài tình cảm ủy mị, ướt át, rên rỉ... những bài hát quảng cáo, kích động bạo lực, xuyên tạc... những bài hát mang tính phi giáo dục như chế giễu người tàn tật, già nua, nghèo khổ...
2. Sắp xếp đội hình:
Thường thì chúng ta sinh hoạt ngoài trời, cho nên phải chọn đội hình vòng cung hay vòng tròn. Cho các đoàn sinh ngồi sát nhau để tiếng hát đỡ bị loãng. Người hướng dẫn đứng ở giữa hay ở vị trí nào mà mọi người có thể nghe và thấy mình rõ ràng.
Sắp xếp cho những em tinh nghịch hay hiếu động ngồi xa nhau.
3. Chuẩn bị tập hát:
- Nếu là bài hát dài thì nên in sẵn để phát hay cho ghi chép. Nếu ngắn thì tập thuộc lòng.
- Cho một băng reo hay một động tác thư giãn trước khi tập.
- Yêu cầu tất cả phải im lặng và tập trung cao.
4. Tập hát:
- Người hướng dẫn hát thử bài hát một vài lần thật đúng nhịp điệu và rõ ràng.
- Ngắt ra từng đoạn ngắn và tập từng câu. Mỗi câu tập 3-4 lần cho thuộc rồi mới sang câu khác.
- Từ câu thứ hai trở đi, mỗi khi tập xong một câu thì hát lại từ câu đầu cho bài hát được liên tục.
- Để ý nghe chỗ nào sai thì sửa ngay, vì khi quen rồi thì rất khó sửa, khi nào hát đúng mới sang câu khác.
- Khi đã tập hết bài thì phân nhịp bằng cách cho vỗ tay.
- Tập xong nên chia ra từng nhóm nhỏ để kiểm tra.
- Nhắc người học hát nên học thuộc lòng, đừng nhìn vào giấy.
- Yêu cầu hát lớn và mạnh dạn để tạo bầu không khí.
Sự khéo léo của người hướng dẫn
- Kiên nhẫn, tập kỹ từ đầu để ai cũng có thể hát được.
- Đừng tập quá nhanh, lướt qua những câu chưa thuộc.
- Luôn luôn khuyến khích mà không chế diễu người hát kém hay có chất giọng “đặc biệt”.